Vietnamnet _ Bài đăng trên báo Vietnamnet ngày 6/5/2021
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng dù họ chưa sẵn sàng để thực hiện.
Không phải xếp hàng để điểm danh chấm công hàng ngày, những công nhân tại một công trường xây dựng ở Hà Nội sử dụng điện thoại di động thông minh quét khuôn mặt từ ứng dụng quản lý. Nhận diện chấm công bằng FaceID trên điện thoại di động thay thế các hình thức chấm công truyền thống giúp theo dõi công nhân theo thời gian thực, quản lý công trường từ xa.
Thực tế, quản lý công trường xây dựng đã được nhiều doanh nghiệp triển khai số hóa trên các ứng dụng di động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp mới dừng ở mức độ báo cáo qua hình ảnh, giấy tờ chụp về văn phòng quản lý, các công việc phát sinh vẫn phải có mặt trực tiếp để xử lý nên chưa chuyên nghiệp.
Không những vậy, sự tốn kém trong chi phí hành chính văn phòng còn nằm ở việc quy trình doanh nghiệp có quá nhiều giấy tờ, hồ sơ, đơn từ, thiết bị phục vụ công tác in ấn và lưu trữ thông tin.
Trong lĩnh vực logistics, việc mạnh dạn sử dụng ứng dụng công nghệ 4.0 đối với chủ hàng, chủ xe đang là nhu cầu lớn. Những lái xe đã quen với việc dùng điện thoại theo dõi cung đường, báo cáo công việc hàng ngày.
Theo số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp từ 2 đến 17 dịch vụ logisitics khác nhau, trong đó chủ yếu là dịch vụ giao nhận, vận tải, kho hàng, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. 50-60% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ của từng doanh nghiệp.
Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào logistics đã được chứng minh trong thực tế. Điển hình như Công ty Tân cảng Sài Gòn, sau khi áp dụng thành công các chương trình quản lý, điều hành sản xuất tiên tiến, công ty đã kéo giảm 55% thời gian tàu nằm bến; giảm 3/4 thời gian giao nhận hàng hóa; giảm 60% các vụ việc mất an toàn lao động, an toàn giao thông,…
Tương tự, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đang xây dựng nền tảng bản đồ Vmap và cơ sở dữ liệu địa chỉ theo thời gian thực về định vị, dữ liệu về địa chỉ, gán mã cho địa chỉ đến hộ gia đình.
Không nhanh sẽ bị đè bẹp
Chuyển đổi số là xu hướng của các doanh nghiệp, đặc biệt khi dịch Covid-19 xảy ra. Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Dr SME, cho rằng, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải cạnh tranh với các thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ trong nước sẽ bị doanh nghiệp “cá mập” nước ngoài “đè bẹp”, dần “chết yểu”.
“Chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi số không phải là tư duy ngày mai đi mua một phần mềm hay một công nghệ về áp dụng mà cần quan tâm tới bối cảnh nguồn lực và những điều kiện riêng mà doanh nghiệp đang có”, ông Tuấn Anh cho biết.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech, chỉ ra thực tế, cộng đồng doanh nghiệp vừa – nhỏ và siêu nhỏ (Micro-SME) tuy chiếm đến 96,7% số lượng, đóng góp 40% GDP và giải quyết 60% việc làm nhưng lại chưa được hưởng nhiều thành quả từ chuyển đổi số do ít kinh phí và bị phân mảnh khắp nơi trên toàn quốc. Các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số thường chú trọng nhiều hơn đến khối Chính phủ và doanh nghiệp vừa và lớn có ngân sách cao hơn và tập trung ở các thành phố lớn.
Nói về lợi thế hiện nay, Tuấn Anh cho rằng, các công nghệ chuyển đổi số như điện toán đám mây… đã có sẵn trong các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam do các đơn vị Việt Nam nghiên cứu và triển khai. Đây chính là một lợi thế quan trọng so với quá khứ nếu như các doanh nghiệp thật sự quyết tâm chuyển đổi.
Ông Đặng Quang Vũ, Giám đốc Công nghệ FastWork, nhận xét, người lao động phổ biến sử dụng điện thoại thông minh nên việc chuyển đổi số dễ dàng thực hiện từ cấp thấp nhất. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ có thể sử dụng các nền tảng của các nhà cung cấp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số mang hiệu quả cao mà tiết kiệm chi phí, bắt kịp cuộc đua chuyển đổi số hiện nay.
Theo ông Đinh Minh Quân, Giám đốc điều hành FastWork, hệ thống quản trị của doanh nghiệp sẽ trở nên đơn giản, liền mạch, minh bạch và hiệu quả hơn. Quản lý và nhân viên đồng thời có thể phê duyệt, điều phối, trao đổi công việc trên một nền tảng duy nhất.
Vị này lưu ý, không có một giải pháp chuyển đổi số nào “vừa vặn” với mọi loại hình doanh nghiệp. Phải đi từ nhu cầu, từ vấn đề mới đến được giải pháp phù hợp, không lãng phí.
Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành cũng lưu ý 3 bài học cho thành công trong chuyển đổi số doanh nghiệp, gồm: Nghĩ lớn, làm cụ thể, quyết liệt từ việc nhỏ, có tính đổi mới, lan tỏa cao; gắn bó sâu sắc chuyển đổi số với chiến lược phát triển doanh nghiệp và đặc biệt lãnh đạo phải đi tiên phong.
Bảo An