Zalo Youtube Phone

Điểm Sáng Kinh Tế Việt: Các Doanh Nghiệp Chuyển Đổi Số Dễ Dàng Vượt Qua Covid-19

By 11 Tháng Chín, 2020Tháng Mười Một 6th, 2020Business Hack, Kiến thức, Tin nổi bật

Xét ở góc độ tích cực, đại dịch Covid-19 hiện nay thực sự là cơ hội để doanh nghiệp nhận ra sự ưu việt của nền kinh tế số và tạo ra tính cấp bách hơn trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Trong bối cảnh toàn thế giới giãn cách xã hội – điều không mong muốn của bất kỳ doanh nghiệp nào đã khiến chuyển đổi số trở thành giải pháp tình thế trên quy mô toàn cầu.

Thế giới đang chứng kiến nhiều biến động bởi cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 trên quy mô toàn cầu. Và không thể phủ nhận Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế thế giới, gây ảnh hưởng ở tất cả mọi ngành nghề. Hiện tại tất cả các quốc gia đều đang tạm “nghỉ ngơi” để có thể đánh giá chính xác mức độ thiệt hại mà đại dịch đã gây ra. Và dù còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng nhìn chung lại nền kinh tế toàn cầu sẽ có những điều chưa từng xảy ra trước đây.

Nền kinh tế thế giới đã và đang điêu đứng vì Covid-19

Tại Mỹ, các chuyên gia tài chính phố Wall đánh giá đại dịch sẽ khiến GDP toàn cầu mất đi ít nhất hơn 5.000 tỷ USD. Chỉ riêng tại Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới có khả năng trải qua một nền kinh tế yếu kém trong thời gian dài. Trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu của Mỹ đã giảm hơn 13%, tương đương 176 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. 

Hiện nền kinh tế Mỹ chiếm khoảng ¼ GDP toàn cầu, do đó sức khỏe nền kinh tế Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế các quốc gia khác. Nhìn chung, IMF (Quỹ tiền tệ Quốc tế) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ đi xuống khoảng 3% trong năm 2020, có thể coi đây là đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ giai đoạn Đại khủng hoảng thập niên 1930.

Đối với các nước EU, trong những tháng gần đây các doanh nghiệp lớn như Ryanair của Ireland, Renault và Air France của Pháp, Lufthansa và Thyssenkrupp của Đức đều đã thông báo cắt giảm đáng kể nhân viên. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp Châu Âu cũng đã phải đóng cửa do đại dịch.

Khung cảnh vắng lặng tại một sân bay Châu Âu bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Khung cảnh vắng lặng tại một sân bay Châu Âu bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Thực trạng doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hiện nay

Cú sốc về kinh tế do Covid-19 gây ra cũng đã khiến cho toàn bộ doanh nghiệp Việt phải chao đảo. Các nhóm ngành doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng như du lịch, hàng không, nhà hàng-khách sạn,… đều đã rơi vào tình trạng “đóng băng” hơn 3 tháng qua. Doanh thu của các doanh nghiệp trong Quý I/2020 và dự báo cả năm 2020 sẽ bị sụt giảm mạnh, thậm chí là thua lỗ. Hàng loạt các kế hoạch xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các quý và năm tiếp theo. 

Theo một khảo sát vào cuối tháng 4 vừa qua do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trên gần 130.000 doanh nghiệp cho thấy có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. 

Cùng với việc doanh thu giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, các doanh nghiệp vẫn phải gánh thêm các khoản chi phí cố định như chi trả lương và các khoản phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng,… 

Các khó khăn không nhỏ về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến doanh nghiệp sử dụng các biện pháp liên quan như cắt giảm lao động trên gần 30% doanh nghiệp, trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương người lao động. 

Khu phố cổ Hội An vốn tấp nập khách du lịch nay cũng phải thực hiện giãn cách xã hội bởi Covid-19
Khu phố cổ Hội An vốn tấp nập khách du lịch nay cũng phải thực hiện giãn cách xã hội bởi Covid-19

Chuyển đổi số là cơ hội để doanh nghiệp phục hồi và bứt phá trong thời gian tới

Rủi ro luôn song hành cùng cơ hội, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tình thế hiện nay cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. 

Theo đánh giá từ các chuyên gia, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, xu hướng chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua tình thế khó khăn này. Cũng theo ghi nhận trong thời gian qua, doanh nghiệp trên hầu hết các ngành và lĩnh vực đã thực hiện áp dụng các giải pháp công nghệ lên công tác quản lý và vận hành, số hóa dây chuyền sản xuất, áp dụng tự động hóa bán hàng, số hóa dữ liệu doanh nghiệp một cách mạnh mẽ. Đặc biệt từ khi ban hành lệnh giãn cách xã hội toàn quốc, xu hướng chuyển đổi số càng được các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh triển khai. 

Điều này giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí vận hành, chi phí sản xuất, qua đó cuộc chuyển mình hướng tới chuyển đổi số đã giải quyết được bài toán hiệu quả và có tính cách mạng. 

Vì sao doanh nghiệp có nhận thức về chuyển đổi số lại trụ vững trước mọi biến động

Đã có không ít doanh nghiệp chuyển đổi số thành công trước khi biến cố Covid-19 xảy ra.  Bởi đa số các doanh nghiệp này có tầm nhìn chiến lược dài hạn, chủ động trong việc tự động hóa hoạt động kinh doanh và hơn hết là họ có một nhận thức về tầm ảnh hưởng của công nghệ, về lợi ích chuyển đổi số lên năng suất và hiệu quả công việc. 

Dịch bệnh đã tác động không nhỏ lên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt là các doanh nghiệp như du lịch, hàng không, nhà hàng-khách sạn, F&B,… đang phải chịu tổn thất nặng nề. Nhưng điều đó cũng không khiến những doanh nghiệp có tư duy đổi mới và biết nắm bắt thời thế đứng im trong trận chiến, rất nhiều giải pháp đã được đưa để khắc phục tình thế. 

Trong đó, các doanh nghiệp bán lẻ chủ động triển khai bán hàng đa kênh, dịch chuyển từ việc mua sắm vật lý lên nền tảng thương mại điện tử và các kênh bán hàng online. Hay như nhiều doanh nghiệp đã kịp thời thay đổi để thích ứng với quy định giãn cách xã hội bằng việc chủ động lên phương án để nhân viên làm việc tại nhà, số hóa quy trình vận hành doanh nghiệp, tự động hóa quản lý công việc, tự động giao việc nhằm hạn chế nhân viên làm việc tại văn phòng.

Doanh nghiệp bán lẻ chủ động triển khai thêm các kênh bán hàng trong mùa dịch
Doanh nghiệp bán lẻ đã nhanh chóng triển khai thêm các kênh bán hàng trong mùa dịch

Doanh nghiệp đã thay đổi tư duy để tồn tại và phát triển, xây dựng định hướng làm việc từ xa không chỉ trong Covid-19 mà còn có thể ứng dụng tại bất cứ thời điểm và hoàn cảnh nào trong tương lai.

Cuộc vươn mình chuyển đổi số mạnh mẽ và nhanh chóng của doanh nghiệp được cụ thể ở các bước chuyển đổi số:

  • Xây dựng và triển khai các kênh bán hàng đa dạng trong mùa dịch
  • Tự động hóa các chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp – đơn vị vận chuyển – kho bãi…
  • Doanh nghiệp chủ động chuẩn bị các phương án làm việc tại nhà, số hóa quy trình doanh nghiệp, số hóa dữ liệu lên nền tảng kỹ thuật số
  • Đưa ra các giải pháp thay thế để giải quyết bài toán cho bộ phận kinh doanh, gặp gỡ đối tác trực tuyến; xét duyệt đơn từ, đề xuất từ xa; sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy,… 
  • Hoạt động quản trị doanh nghiệp từ xa được tiến hành triệt để, công tác vận hành và giám sát các cá nhân, bộ phận chức năng từ xa

Hơn ai hết các doanh nghiệp hiểu rằng nếu không tranh thủ nắm bắt thời cơ để hành động, rất có thể sẽ bị đối thủ bỏ lại trong cuộc đua đầy cam go này. Chính vì vậy có thể thấy, những doanh nghiệp hiện tại vẫn đang duy trì ổn định hay thậm chí có mức tăng trưởng tốt tại thời điểm này chính là ví dụ điển hình của việc biết nắm bắt tư duy đổi mới và hành động thần tốc.

Doanh nghiệp Việt Nam ở đâu trên bản đồ chuyển đổi số thế giới

Trước đại dịch, International Data Corperation đã dự báo đến năm 2022, giá trị chuyển đổi số trên toàn thế giới ước đạt 2.000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin. 

So sánh tại khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu vẫn là Singapore với những hành động cụ thể và tuyên bố của Thủ tướng về chương trình chuyển đổi số để đưa Singapore trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ thông minh.  

Indonesia cũng có mục tiêu cụ thể khi ước tính chuyển đổi số sẽ tạo ra giá trị mới đạt 150 tỷ USD, tương đương với 10% GDP vào năm 2025 tại đất nước này.

Và mới đây nhất Thủ tướng Malaysia đã tuyên bố chương trình chuyển đổi số, trọng tâm là đưa đất nước này trở thành trung tâm tài chính công nghệ (Fintech), Blockchain và thiết bị bay thông minh (dronetech).

Singapore với mục tiêu và tham vọng trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ thông minh
Singapore với mục tiêu và tham vọng trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ thông minh

Tại Việt Nam, từ năm 2008 đến 2018 đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,08% và được đánh giá là nhóm tăng trưởng cao nhất Châu Á cũng như thế giới. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, quy trình đổi mới công nghệ đã giúp đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, vị thế ngày một được khẳng định trên thị trường thế giới. 

Ngoài ra, Việt Nam hướng tới trở thành nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), kinh tế số chiếm 20% GDP và năng suất lao động hàng năm năm tối thiểu 7%.

Rào cản và giải pháp giải quyết sự chậm chạp, thờ ơ trong chuyển đổi số của doanh nghiệp

Tuy nhiên những mục tiêu trên lại đang vô cùng thách thức khi hiện tại, Bộ Công thương và UNDP khảo sát trên 2.659 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Có tới 82% doanh nghiệp mới ở vị trí “chập chững” tham gia, 61% doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc và chỉ 21% doanh nghiệp mới bắt đầu “nhập cuộc đua” đầy thử thách này. 

Rào cản của các doanh nghiệp hầu hết nằm ở các nguyên nhân:

  • Nguồn nhân lực còn hạn chế do chưa được chú trọng đầu tư, bồi dưỡng
  • Các chính sách, quy định để thúc đẩy phát triển kinh tế của doanh nghiệp chưa đáp ứng được vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế số
  • Sự đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, chưa có sự sáng tạo
  • Đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ thông tin chưa đáp ứng đủ nhu cầu
  • Tỷ lệ doanh nghiệp có nhận thức, hiểu biết về công nghệ thông tin còn chưa nhiều

Thông qua đó có thể thấy, quá trình dịch chuyển của chuyển đổi số tại Việt Nam diễn ra tương đối chậm. Khi hầu hết các doanh nghiệp, khối cơ quan, tổ chức vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, tư duy “sợ mất mát” “ngại thay đổi” chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp. 

Để giải quyết triệt để rào cản nhằm hướng tới tương lai cách mạng chuyển đổi số mạnh mẽ cho doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đổi mới tư duy, định hình chiến lược vận hành và mô hình kinh doanh. Bên cạnh đó phải xác định mô hình quản trị tương lai dựa trên nền tảng công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững và bao trùm hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực dồi dào và có kỹ năng bên cạnh cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Chuyển đổi số thực chất là gì? Khái niệm của chuyển đổi số

Khái niệm chuyển đổi số được ra đời trong thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ, mô tả việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. 

Sự ứng dụng công nghệ kỹ thuật số này giúp thay đổi toàn diện cách thức hoạt động của doanh nghiệp, đem lại lợi ích về kiểm soát chi phí và quản lý rủi ro. Để từ đó tối ưu hóa hiệu suất làm việc, tăng hiệu quả hợp tác và mang lại giá trị cho khách hàng. 

Chuyển đổi số là đại diện cho rất nhiều giải pháp công nghệ, công cụ hỗ trợ cho công tác vận hành doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau sẽ có những chiến lược giải pháp tùy chỉnh sao cho phù hợp nhất.

Chuyển đổi số là đại diện cho rất nhiều giải pháp công nghệ và công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp
Chuyển đổi số là đại diện cho rất nhiều giải pháp công nghệ và công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp

Tại sao chuyển đổi số lại quan trọng với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay

Từ hiện trạng và bối cảnh hiện nay, có thể thấy chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn phục hồi sau biến động. Chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam về một sự thay đổi mang tính toàn diện, ứng dụng với từng doanh nghiệp, tổ chức trong mọi lĩnh vực, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử. Các doanh nghiệp Việt muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới để khẳng định mình thì phải mạnh dạn đi đầu và quyết liệt để đạt được lợi thế cạnh tranh. 

Các bước chuyển đổi số doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong:

  • Tối ưu hóa quy trình: Thông qua việc ứng dụng công nghệ, nhà quản lý doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả quản lý bằng việc kiểm soát tiến độ và đánh giá hiệu quả các dự án, cá nhân, bộ phận một cách chính xác và thực tiễn nhất. Bên cạnh đó còn đẩy mạnh hiệu suất làm việc của lao động bằng cách cắt giảm tối đa thời gian xử lý công tác hành chính (đề xuất, đơn từ, xử lý công văn,…) không thực sự cần thiết. Từ đó công tác tìm kiếm thông tin, tài liệu, trao đổi công việc được xuyên suốt, nâng cao thời gian sáng tạo và tập trung vào công việc chuyên môn của lao động.
  • Số hóa dữ liệu doanh nghiệp: Hoạt động này được hiểu là việc ứng dụng công nghệ vào công tác lưu trữ và đồng bộ thông tin, dữ liệu của toàn bộ doanh nghiệp. Tạo ra một cơ sở hạ tầng trên nền tảng số, giúp doanh nghiệp giảm tải việc lưu trữ giấy tờ, dữ liệu, thông tin bằng phương pháp thủ công gây tốn kém chi phí. Ngoài ra, công tác phối hợp xử lý vấn đề giữa các bộ phận, phòng ban cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn thông qua phương thức chia sẻ thông tin, tài liệu trên nền tảng kỹ thuật số.
  • Tăng chỉ số hài lòng của nhân viên: Thông qua lợi ích chuyển đổi số bằng việc tối ưu hóa quy trình, số hóa dữ liệu doanh nghiệp thì qua đó cũng khiến chỉ số hài lòng nhân viên tăng lên rõ rệt. Doanh nghiệp có sự đầu tư vào trải nghiệm nhân viên thông qua việc ứng dụng công nghệ vào công tác hành chính và vận hành, giảm tải các tác vụ rườm rà không cần thiết sẽ khiến lực lượng lao động năng suất và gắn bó với doanh nghiệp hơn. Cũng thông qua việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản trị từ xa, tự động giao việc mà cấp lãnh đạo sẽ có góc nhìn đánh giá năng lực nhân viên một cách khách quan và chính xác nhất.
  • Tăng sự trải nghiệm của khách hàng: Bằng việc bắt kịp dòng chảy của số hóa, chuyển đổi số doanh nghiệp mà doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng, chất lượng sản phẩm đi từ quy trình làm việc trôi chảy, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giúp trải nghiệm khách hàng với doanh nghiệp được xuyên suốt. Từ đó doanh nghiệp mang lại tương tác tốt và có ý nghĩa với khách hàng, thúc đẩy lòng trung thành với doanh nghiệp. 

Nhìn chung lại, doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng số 4.0 cần phải biết kết hợp giữa công nghệ và con người để có thể trở nên thích ứng linh hoạt trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Các doanh nghiệp với hướng tư duy đổi mới và chiến lược rõ ràng, cùng với sự trợ giúp của các giải pháp công nghệ chuyển đổi số và quy trình vận hành tốt, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể có một sức bật để tạo nên nền tảng vững chắc trong tương lai. 

Leave a Reply