Bất chấp những cảnh báo về bảo mật, Zoom vẫn thu hút 300 triệu người dùng, trong khi cuối năm 2019, con số này mới ở mức 10 triệu.
Nền tảng họp trực tuyến Zoom được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng “bùng nổ” trong những tháng đầu năm vì đại dịch nên toàn thế giới áp dụng hình thức làm việc từ xa. “Hơn 300 triệu người trên toàn thế giới đang sử dụng ứng dụng này trong giai đoạn thách thức vì Covid-19”, đại diện Zoom chia sẻ trên blog công ty ngày 22/4.
Tính đến cuối năm ngoái, số người dùng trên nền tảng này là 10 triệu. Ngày 1/4, Eric S. Yuan, CEO Zoom, cho biết, dịch vụ đạt 200 triệu người dùng. Con số mới công bố tuần này cho thấy nền tảng chỉ cần thêm 3 tuần để thu hút thêm 100 triệu tài khoản đăng ký mới.
Đáng chú ý hơn, ba tuần đó cũng là giai đoạn Zoom bị chỉ trích vì hàng loạt vấn đề bảo mật, như gửi dữ liệu người dùng trái phép cho Facebook, quảng cáo sai về tính năng mã hóa đầu cuối, hay tồn tại những lỗ hổng tạo điều kiện cho hacker thâm nhập, phá đám lớp học, cuộc họp trực tuyến…
Cục Điều tra liên bang Mỹ đã ghi nhận hàng loạt lớp học và phòng họp ảo trên Zoom bị hacker phá rối bằng hình ảnh phản cảm và ngôn từ thù địch. Nhiều công ty, tổ chức, trường học đã ngừng sử dụng nền tảng này do lo ngại về vấn đề an ninh. Zoom cũng phải ngừng phát triển các tính năng mới cho Zoom trong 90 ngày để tập trung nhân lực cho việc khắc phục lỗi và lỗ hổng.
Cục An toàn Thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khuyến cáo các cơ quan, tổ chức nhà nước không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ các buổi họp trực tuyến. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng nên cân nhắc khi sử dụng phần mềm này do có nhiều lỗ hổng chưa được xử lý triệt để, gây lộ thông tin cá nhân.
Theo Mashable, sự tăng trưởng đột phá trong ba tuần qua của Zoom cho thấy người dùng khắp thế giới đang lựa chọn sự thuận tiện thay vì lo ngại về bảo mật. Có nhiều phần mềm họp trực tuyến được đưa ra để thay thế Zoom, nhưng nền tảng này vẫn tiếp tục được ưa chuộng.