Bạn muốn được tăng lương và cảm thấy mình xứng đáng được nhận mức lương hậu hĩnh hơn. Cách tốt nhất để hoàn thành mong muốn của bạn chính là làm đề xuất tăng lương gửi lên cấp trên.
Yêu cầu tăng lương không chỉ khó mà còn có thể ảnh hưởng đến công việc của bạn sau này. Người lao động cần nắm bắt thời điểm và đưa ra được lý do yêu cầu tăng lương xác đáng để được tăng lương như mong muốn.
Mục lục nội dung:
Đơn đề xuất tăng lương nên gửi cho ai?
Yêu cầu tăng lương nên được gửi đến người có trách nhiệm quản lý trực tiếp việc tăng lương cũng như các chế độ thưởng của người lao động. Đó có thể là người giám sát, quản lý hoặc trưởng bộ phận, trưởng nhóm của bạn.
Việc gửi đơn đề xuất tăng lương lên những người có vị trí cao hơn người trực tiếp đưa ra quyết định về mức lương cho vị trí của bạn không phải là một ý kiến hay. Trong trường hợp bạn không hoàn toàn tin tưởng người quản lý trực tiếp của mình, mẫu đơn xin tăng lương sẽ giúp quy trình được tiến hành một cách chuyên nghiệp.
Nên làm đề xuất tăng lương khi nào?
Trước khi gửi mẫu đề xuất tăng lương, người lao động cần đảm bảo thời điểm phù hợp. Ví dụ: khi doanh nghiệp của bạn đang hoạt động tốt, khi cấp trên của bạn cảm thấy hài lòng với khả năng làm việc của bạn, khi thời gian tăng lương theo định kỳ của bạn đáp ứng điều kiện tăng lương của doanh nghiệp,…
Tại nhiều doanh nghiệp, việc tăng lương sẽ được thảo luận trong các đợt đánh giá cuối năm hoặc các đợt tài chính cuối năm. Trong trường hợp bạn làm việc tại các doanh nghiệp áp dụng hình thức tăng lương này, bạn nên đề xuất được tăng lương trước những ngày này.
Một cách khôn ngoan hơn giúp tăng cơ hội được tăng lương cho bạn chính là gửi đề xuất, yêu cầu được tăng lương ngay sau khi bạn hoàn thành một nhiệm vụ hoặc một dự án lớn, đóng góp nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Hoặc bạn cũng có thể đề xuất việc tăng lương nếu bạn được cấp trên khen ngợi hoặc sức ảnh hưởng của bạn trong doanh nghiệp tăng lên.
Khi nào không nên yêu cầu tăng lương
Năm 2020, có đến 35% doanh nghiệp đã giảm ngân sách tăng lương. Trong năm 2021, có đến 16% nhân viên sẽ không được tăng lương.
Bóng đen của đại dịch cùng suy thoái kinh tế khiến việc tăng lương cho người lao động trở nên khó khăn. Việc đề xuất tăng mức lương không đúng thời điểm và hoàn cảnh không chỉ khiến bạn thất bại mà còn khiến cấp trên không hài lòng.
Trong trường hợp doanh nghiệp của bạn đang gặp các rắc rối về tài chính hoặc nhân sự, bạn không nên đề xuất hay gửi yêu cầu tăng lương. Với các doanh nghiệp áp dụng hình thức tăng lương thường xuyên dựa vào đánh giá năng lực hàng tháng hoặc hàng năm bạn cũng không nên đề xuất được tăng lương. Có một số lý do khiến yêu cầu tăng lương của bạn bị thất bại như:
- Thời điểm đề xuất không phù hợp
- Doanh nghiệp không đủ nguồn lực và ngân sách tăng lương
- Hiệu suất làm việc của bạn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp
- Cấp trên không biết về thành tích của bạn
- Doanh nghiệp sợ hiệu ứng đám đông, nếu yêu cầu tăng lương của bạn được phê duyệt, nhiều nhân sự khác sẽ làm theo
- Mức lương của bạn đã là mức giá trung bình trên thị trường lao động
Những nội dung cần có trong mẫu đơn xin tăng lương
Trước khi viết đơn đề xuất tăng lương, người lao động nên thu thập các dữ liệu, các lý do có lợi cho việc tăng lương của mình:
- Liệt kê danh sách các thành tích mà bạn đã làm cho doanh nghiệp kể từ lần tăng lương gần đây nhất. Nên chú ý vào các yếu tố, các nhiệm vụ mang đến lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Đề cập đến các danh hiệu, các giải thưởng hoặc những lần được khen thưởng, tuyên dương trong đơn xin tăng lương.
Trong trường hợp bạn cho rằng mình đang được trả lương thấp hơn những giá trị khách quan mà bạn mang lại, bạn có thể trình bày trong thư. Để tăng tính xác thực bạn cần sử dụng thêm các luận điểm, các ví dụ điển hình. Bạn có thể tham khảo, so sánh mức lương công việc bạn đang đảm nhiệm với mức lương của công việc tương tự trong ngành hoặc trên thị trường nhằm có thêm thông tin. Người lao động có thể sử dụng các công cụ tính lương có sẵn trên các nền tảng như Payscale.com, Glassdoor.com hoặc Salary.com.
Những nội dung không nên đề cập trong đề xuất tăng lương
Đối với hầu hết các doanh nghiệp, tiền lương được xem là một phép tính không thay đổi, nó dựa trên trình độ của nhân viên. Trong thư đề xuất tăng lương, người lao động cần tránh các luận điệu mang tính chủ quan hoặc các lý do cá nhân, không liên quan đến công việc.
Ví dụ: Bạn không nên yêu cầu tăng lương do các yếu tố cuộc sống cá nhân như: Tiền thuê nhà tăng, phải nuôi con nhỏ,… thay vì các lý do chuyên môn. Việc phàn nàn quá nhiều có thể khiến quản lý có cái nhìn tiêu cực về bạn, khiến họ không muốn tăng lương, ngược lại bạn còn có nguy cơ bị sa thải.
Tránh phàn nàn hoặc trở thành nạn nhân, đặc biệt là khi doanh nghiệp đang phải trải qua thời kỳ khó khăn. Khi mà mọi thứ đều khó khăn, nhưng bạn vẫn có thể hoàn thành công việc một cách xuất sắc sẽ là lý do chính đáng nhất để sếp tăng lương cho bạn. Bạn không nên so sánh mức lương của mình với đồng nghiệp, thay vào đó nên tập trung làm nổi bật những vai trò và giá trị mà mình mang đến cho công ty.
Thời gian bạn làm việc tại công ty không phải là một lý do chính đáng để tăng lương, hoàn cảnh tài chính của cá nhân hay gia đình bạn cũng vậy. Khi viết đơn đề xuất tăng lương bạn nên tránh các lập thuật thiếu tính thuyết phục này.
Một số ví dụ về lý do tăng lương thuyết phục cho người lao động
Dưới đây là một số ví dụ về lý do mà bạn có thể sử dụng để chứng minh đề xuất tăng lương của mình là chính đáng. Tùy từng tình huống và trường hợp mà bạn có thể áp dụng các lý do khác nhau:
1. Đề cập đến các mục tiêu, nhiệm vụ mà bạn đã đạt được trong năm qua, đính kèm các giá trị gia tăng hàng năm như tiết kiệm hoặc tăng lợi nhuận cho công ty.
2. Bạn có thể tham khảo thêm các ví dụ về thành tích ngoài các mục tiêu ở trên. Những thành tích này đã đóng góp vào lợi nhuận bằng cách tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả, giải quyết vấn đề, đào tạo người khác, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, v.v.
3. Nêu rõ trách nhiệm và thành tích mà bạn đã đảm nhận và đạt được kể từ lần tăng lương chính thức hoặc không chính thức cuối cùng.
4. Đề cập đến bất kỳ công việc giám sát hoặc quản lý nào mà bạn đã đảm nhiệm một cách không chính thức hoặc chính thức kể từ lần tăng lương cuối cùng. Và đính kèm các giá trị mà bạn mang lại.
5. Nếu bạn tạo ra hoặc duy trì doanh số bán hàng/khách hàng, hãy xác định giá trị tiền thưởng hoặc hoa hồng hàng năm mà doanh nghiệp chưa gửi cho bạn. Bạn có thể được đền bù hợp lý cho khoản đóng góp này.
6. Đề cập đến bất kỳ bằng cấp nào bạn đã đạt được kể từ lần tăng lương cuối cùng. Sếp của bạn có thể không biết rằng bằng cấp của nhân viên làm tăng sức mạnh cạnh tranh hoặc sự công nhận của khách hàng đối với nhà cung cấp.
7. Xác định các cơ hội, trách nhiệm hoặc hoạt động bổ sung mà bạn sẵn sàng thực hiện trong tương lai nếu được khen thưởng phù hợp. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho công ty như: tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí hoặc tiết kiệm thời gian.
Đề xuất tăng lương không hề khó thành hiện thực, tuy nhiên người lao động cần xác định được thời điểm cũng như lý do tăng lương xác đáng. Mong rằng với các thông tin hữu ích trên đây bạn sẽ sớm được tăng lương trong tương lai.
Tham khảo thêm:
Phân loại 6 cách tính lương phổ biến nhất trong doanh nghiệp Việt Nam
Top 7 phần mềm Quản lý tính lương 2021 không thể bỏ qua
HRM 4.0: Kinh nghiệm xây dựng Quy chế lương thưởng dành cho Nhân sự
Tự động hóa doanh nghiệp #2: Tự động hóa tính lương cho HR